Vấn đề “Y đức” cũng được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm và có nhiều ý kiến, kiến nghị tại phiên thảo luận tổ trước kỳ họp thứ Ba HĐND tỉnh. Nhiều đại biểu rất băn khoăn, lo lắng trước tình trạng xuống cấp về y đức của đội ngũ làm công tác y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh. Thực tế hiện nay, phần lớn những người Thầy Thuốc đang phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, đồng lương và mức thu nhập còn thấp, chưa đủ trang trải cho những sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, áp lực về công việc, điều kiện, môi trường làm việc, sự mệt mõi, căng thẳng… đã làm cho y, bác sỹ, hộ lý, điều dưỡng… có những thái độ nóng nảy, không niềm nở với người bệnh và thân nhân người bệnh. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền là phương tiện đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống của tất cả mọi người. Vì vậy, bệnh nhân khi đến bệnh viện đều có tâm lý muốn mau khỏi bệnh nên thường biếu quà, “bồi dưỡng” cho cán bộ, y, bác sỹ, hộ lý, điều dưỡng để được chăm sóc tốt hơn. Những tác động tiêu cực từ việc biếu xén dù ít dù nhiều cũng đã làm ảnh hưởng đến lương tâm, đạo đức của đội ngũ Thầy Thuốc. Quà cáp cũng đã làm thay đổi quan hệ đối xử của người Thầy Thuốc đối với bệnh nhân. Bệnh nhân có biếu xén bao giờ cũng được ưu ái, được quan tâm chăm sóc nhiệt tình, chu đáo hơn. Và ngược lại, bệnh nhân nghèo không có điều kiện để biếu xén thì ít được quan tâm, chăm sóc, thậm chí bị quát nạt, bị xem thường, người bệnh càng buồn tủi thì bệnh càng lâu khỏi và có khi còn trầm trọng hơn.
Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về y đức cho cán bộ, công chức, y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của ngành y tế. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong quá trình khám chữa bệnh cho nhân dân. Theo cử tri kiến nghị, khi kiểm tra cần đóng vai bệnh nhân nghèo thì mới biết được sự thật của cái gọi là sự xuống cấp về y đế của đội ngũ thầy thuốc hiện nay..
Trước mắt, để hạn chế những tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự xói mòn đạo đức của người làm công tác y tế, nhất thiết cần phải có những quy định cụ thể để điều chỉnh hành vi của người Thầy Thuốc. Song, cái cốt lõi nhất của y đức vẫn là sự xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người làm công tác khám, chữa bệnh. Đành rằng các chế độ, chính sách dành cho cán bộ ngành y tế còn khó khăn, điều kiện, cơ sở vật chất còn hạn chế, áp lực công việc là rất lớn. Nhưng về đạo đức, mong rằng tất cả những người làm công tác y tế hãy ngẫm nghĩ lại vấn đề y đức của mình để tự điều chỉnh hành vi đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong khi chúng ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, y, bác sỹ, hộ lý, điều dưỡng… hãy luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Lương y như từ mẫu”, “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”, từ đó sẽ điều chỉnh ngay những hành vi lệch lạc trong thực hành y nghiệp của bản thân mình./.
Phạm Ngọc